1. MỐI QUAN HỆ GIỮA VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC:
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức |
Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức, còn ý thức thì tác động trở lại vật chất thống qua thực tiễn của con người. Chính vì vậy, ta có thể nói mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là mối quan hệ biện chứng.
1.1. Vai trò của vật chất đối với ý thức:
Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc ý thức, quyết định ý thức. Ta có thể hiểu:
- Vật chất giữ vai trò là nguồn gốc, cơ sở và điều kiện quyết định quá trình hình thành, vận động và phát triển ý thức.
- Vât chất giữ vai trò là cơ sở, điều kiện quyết định mọi hoạt động sáng tạo của ý thức.
Ta nói vật chất là nguồn gốc ý thức, quyết định ý thức, vì:
- Ý thức là sản phẩm tinh thần của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ não người. Chỉ có con người mới có ý thức. Chính vì vậy, vật chất là nguồn gốc khách quan của ý thức.
- Các yếu tố tạo thành nguồn gốc tự nhiên (bộ não người), nguồn gốc xã hội ( thế giới khách quan tác động lên bộ não người gây ra hiện tượng phản ánh, lao động, ngôn ngữ) hoặc chính bản thân thế giới vật chất (thế giới khách quan) hoặc là những dạng tồn tại của vật chất đã chứng minh vật chất là nguồn gốc của ý thức.
- Ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất, là hình ảnh chủ quan về thế giới vật chất cho nên nội dung của ý thức được quyết định bới vật chất.
- Vật chất quyết định bởi ý thức.
- Vật chất quyết định phương thức, kết cấu của ý thức.
1.2. Vai trò của ý thức đối với vật chất:
Ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
Ý thức không trực tiếp thay đổi hiện thực mà qua hoạt động vật chất của con người. Tuy nhiên mọi hoạt động vật chất đều do ý thức chỉ đạo. Cho nên ý thức không trực tiếp thay đổi thế giới vật chất mà ý thức trang bị cho con người tri thức về thực tại khách quan. Từ ý thức có được, con người xác định mục tiêu, phương hướng cho hoạt động thực tiễn; con người xây dựng nên phương pháp, mô hình,kế hoạch tổ chức hoạt động thực tiễn.
Ý thức có thể thúc đẩy hoặc kiềm hãm sự vận động phát triển trong những điều kiện ở mức độ nhất định:
- Thúc đẩy: Ý thức phản ánh phù hợp với thực tiễn thì nó thúc đẩy sự phát triển của các điều kiện vật chất. Khi con người nhận thức đúng, có tri thức khoa học, có tình cảm cách mạng, có nghị lực, có ý chí thì hoạt động của con người cũng phù hợp với quy luật khách quan. Từ đó con người vượt qua thách thức trong quá trình thực hiện mục đích của mình.
- Kiềm hãm: Ý thức phản ánh không phù hợp với thực tiễn làm hướng hoạt động của con người đi ngược với các quy luật khách quan, từ đó sẽ làm kiềm hãm sự phát triển của các điều kiện vật chất. Tuy nhiên đó chỉ mang tính tạm thời vì vật chất luôn vận động theo quy luật khách quan. Chính vì vậy, phải luôn có ý thức tiến bộ, phù hợp, thay thế cho ý thức lạc hậu, không phù hợp.
Tóm lại, bằng việc định hướng cho hoạt động của con người, ý thức quyết định hoạt động của con người, hoạt động thực tiễn của con người là đúng hay sai, thành công hay thất bại, hiệu quả hay không hiệu quả.
2. Ý NGHĨA PHƯƠNG PHÁP LUẬN:
Hoạt động nhận thức và thực tiễn xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng khách quan, đồng thời phát huy tính năng động chủ quan.
2.1. Xuất phát từ thực tế khách quan, tồn trọng thế giới khách quan:
Có nghĩa là xuất phát từ tính khách quan, có thái độ tôn trọng đối với hiện thực khách quan, tôn trọng quy luật nhận thức và hành động theo quy luật, tôn trọng vai trò quyết định đời sống tinh thần của con người, của xã hội. Chính vì vậy, con người phải nhận thức và hoạt động xuất phát từ thực tế khách quan để xác định mục đích đề ra đường lối, chủ trương chính sách, kế hoạch, biện pháp.
2.2. Phát huy tính năng động chủ quan:
Là phát huy vai trò tích cực năng động, sáng tạo của ý thức và phát huy vai trò nhân tố con người trong việc vật chất hóa tính tích cực năng động, sáng tạo đó. Con người phải tôn trọng tri thức khoa học, tích cực học tập nghiên cứu để có thể truyền bá vào quần chúng để trở thành tri thức niềm tin. Con người phải tự giác rèn luyện, tu dưỡng để hình thành, củng cố nhân sinh quan cách mạng, thống nhất hữu cơ giữa tính khoa học và tính nhân văn trong định hướng hoạt động.
2.3. Thực hiên nguyên tắc tôn trọng khách quan:
Là phát huy tính năng động chủ quan trong nhận thức và thực tiễn. Phòng chống, khắc phục bệnh chủ quan duy ý chí- lấy ý chí đặt cho thực tế, lấy ảo tưởng thay cho hiện thực, lấy chủ quan làm chính sách, lấy tình cảm làm điểm xuất phát cho các đường lối, chính sác. Cần chống lại chủ nghĩa kinh nghiệm xem thường tri thức khoa học, xem thường lý luận, bảo thủ, trì truệ, thụ động trong hoạt động nhận thức và thực tiễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn rất nhiều!