I. SỰ ĐỐI LẬP CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT VÀ CHỦ NGHĨA DUY TÂM TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC:
1. Vấn đề cơ bản của triết học:
Vấn đề cơ bản của triết học là mối quan hệ giữa con người và thế giới nói chung mà trước hết và trung tâm là mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại và tư duy.
Vấn đề cơ bản của triết học gồm 2 mặt:
- Mặt thứ nhất, giữa vật chất và ý thức, cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào. Để giải quyết vấn đề này, triết học được chia thành 2 trường phái: chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
- Mặt thứ hai, con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Để giải quyết vấn đề này, triết học cũng chia thành 2 trường phái: khả tri luận (phái bao hàm những quan điểm thừa nhận khả năng nhận thức của con người) và bất khả tri luận (phái bao hàm những quan điểm phủ nhận khả năng nhận thức của con người).
- VÌ SAO MÓI MỐI QUAN HỆ GIỮA VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC LÀ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC? (trích Hỏi & đáp môn triết học Mác- Lênin- NXB Trẻ)
Trả lời:
- Vật chất và ý thức được coi là hai phạm trù rộng lớn nhất của triết học. Các học thuyết phạm trù dù khác nhau, song đều có chung nội dung cơ bản về mối quan hệ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.
- Mối quan hệ giữa vật chất là ý thức là nội dung cơ bản được xác định trong đối tượng nghiên cứu của triết học.
- Giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là tiêu chuẩn để phân biệt sự khác nhau căn bản giữa các trào lưu triết học.
- Giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là cơ sở, nền tảng, là "chìa khóa" để giải quyết các vấn đề khác nhau trong triết học.
2. Chủ nghĩa duy tâm:
Chủ nghĩa duy tâm cho rằng: Ý thức, tinh thần có trước, vật chất có sau; ý thức, tinh thần quyết định vật chất, còn vật chất chỉ là sản phẩm hoặc là hiện thân của ý thức.
Chủ nghĩa duy tâm có 2 hình thức cơ bản: chủ nghĩa duy tâm chủ quan và chủ nghĩa duy tâm khách quan.
- Chủ nghĩa duy tâm chủ quan: thừa nhận ý thức của con người, phủ nhận tồn tại khách quan của hiện thực; cảm giác, ý thức của con người có trước sinh ra quyết định vật chất, còn vật chất chỉ là sản phẩm của cảm giác, ý thức.
Ví dụ: Trong bộ não con người đã có ý niệm về một bông hoa và từ ý niệm này đã sinh ra bông hoa ngoài hiện thực.
- Chủ nghĩa duy tâm khách quan: Coi ý thức, tinh thần là ý niệm nằm bên ngoài con người là cái có trước, sinh ra và quyết định vật chất.
Ví dụ: Đâu đó bên ngoài ý thức con người có ý niệm về một bông hoa, chính ý niệm này đã sinh ra bông hoa đó.
3. Chủ nghĩa duy vật:
Chủ nghĩa duy vật cho rằng vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất quyết định ý thức; còn ý thức là sự phản ánh của vật chất vào trong bộ não con người. Đồng thời khẳng định con người có khả năng nhận thức được thế giới.
Chính vì vậy, chủ nghĩa duy vật khẳng định bản chất và cơ sở tồn tại của thế giới tự nhiên và xã hội chính là vật chất.
Nguồn gốc của chủ nghĩa duy vật từ thực tiễn và sự phát triễn khoa học. Chính qua thực tiễn và khái quát hóa tri thức của nhân loại trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ nghĩa duy vật là hệ thống tri thức lý luận chung nhất gắn với lợi ích của các lực lượng tiến bộ, định hướng cho các lực lượng này trong hoạt động nhận thức và thực tiễn.
II. CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG- HÌNH THỨC PHÁT TRIỂN CAO NHẤT CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT:
Để chứng minh chủ nghĩa duy vật biện chứng là hình thức phát triển cao nhất của chủ nghĩa duy vật, ta hãy cùng xét lại quá trình phát triển của các hình thức chủ nghĩa duy vật từ chủ nghĩa duy vật cổ đại, chủ nghĩa duy vật cận đại và chủ nghĩa duy vật biện chứng.
1. Chủ nghĩa duy vật cổ đại (chủ nghĩa duy vật chất phát):
Chủ nghĩa duy vật cổ đại là hình thức sơ khái của chủ nghĩa duy vật, mang tính thô sơ, mộc mạc. Chủ yếu xuất hiện từ quan sát trực tiếp thế giới để phỏng đoán các vật thể là khởi nguyên của thế giới, và chưa có cơ sở khoa học vì khoa học lúc này chưa phát triển.
Chủ nghĩa duy vật được thể hiện nhiều trong các học thuyết duy vật cổ đại, tiêu biểu nhất là triết học cổ đại Trung Quốc, triết học cổ đại Ấn Độ, triết học cổ đại Hy Lạp. Ta có thể lấy một số đại diện như Talet coi nước là khởi nguyên của thế giới, hay Pytago coi khởi nguyên của thế giới là những con số, thuyết ngũ hành coi khởi nguyên của thế giới từ 5 nguyên tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
2. Chủ nghĩa duy vật cận đại (chủ nghĩa duy vật siêu hình):
Chủ nghĩa duy vật cận đại là hình thức cơ bản thứ hai được thể hiện tiêu biểu trong lịch sự triết học cận đại Tây Âu vào thế kỉ XVII- XVIII. Đặc điểm chủ nghĩa duy vật cận đại là phương pháp siêu hình trong nhận thức thế giới.
Chủ nghĩa duy vật cận đại xem xét sự vật trong trạng thái tĩnh, không vận động, không thấy sự tác động qua lại của ý thức với vật chất, coi vận động là vận động cơ học, tức là chuyển địch vị trí trong không gian. Chủ nghĩa duy vật coi con người là máy móc. Trong quan điểm về giới tự nhiên thì rơi vào chủ nghĩa duy vât nhưng về xã hội thì rơi vào chủ nghĩa duy tâm.
Tuy chưa phản ánh đúng mối quan hệ phổ biến và sự phát triển nhưng chủ nghĩa duy vật cận đại đã góp phần quan trọng trong việc chống lại thế giới quan duy tâm và tôn giáo.
3. Chủ nghĩa duy vật biện chứng:
Chủ nghĩa duy vật biện chứng là hình thức cơ bản thứ ba của chủ nghĩa duy vật, do Mác và Ăngghen sáng tạo, Lênin và những người kế tục các ông bảo vệ và phát triển. Với sự kế thừa tinh hoa của các học thuyết triết học trước đó và sử dụng triệt để những thành tựu khoa học tự nhiên đương thời. Chủ nghĩa duy vật biện chứng ra đời đã khắc phục những hạn chế của chủ nghĩa duy vật chất phát thời cổ đại và chủ nghĩa duy vật siêu hình thời cận đại Tây Âu, đã đạt tới trình độ là hình thức phát triển cao nhất của chủ nghĩa duy vật trong lịch sử.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng có những đặc điểm cơ bản sau đây:
- Sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng.
- Sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng.
- Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.
- Tính cách mạng.
Trên cơ sở phản ánh đúng hiện thực khách quan trong mối liên hệ phổ biến và sự phát triển, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã cung cấp công cụ vĩ đại cho hoạt động nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng. Chủ nghĩa duy vật biện chừng được xây dựng trên cơ sở lý giải một cách khoa học về vật chất, ý thức và mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức. Chính vì vậy, chủ nghĩa duy vật biện chứng là hình thức phát triển cao nhất của chủ nghĩa duy vật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn rất nhiều!