Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

PHÉP BIỆN CHỨNG VÀ PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

1. PHÉP BIỆN CHỨNG VÀ HÌNH THỨC CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG:

 1.1. Khái niệm biện chứng, phép biện chứng:

   1.1.1. Biện chứng:

 Biện chứng là khái niệm chỉ những mối liên hệ tương tác, chuyển hóa và vận động, phát triển theo quy luật của các sự vật, hiện tượng, quá trình trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
 Biện chứng gồm biện chứng khách quanbiện chừng chủ quan:
   - Biện chứng khách quan là phạm trù dùng để chỉ biện chứng của bản chất bản thân sự vật, hiện tượng, quá trình tồn tại, độc lập và ở bên ngoài ý thức con người, được xuất phát từ tính thống nhất vật chất, là bản chất của thế giới vật chất, có nghĩa là biện chứng khách quan là mối liên hệ tượng tác, chuyển hóa và vận động, phát triển của thế giới vật chất. Chính vì vậy biện chứng khách quan chi phối toàn bộ giới tự nhiên.
   - Biện chứng chủ quan là phạm trù dùng để chỉ tư duy biện chừng và biện chứng của chính quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào trong bộ óc người. Chính vì vậy mà biện chứng chủ quan phản ánh sự chi phối của toàn bộ giới tự nhiên.

  1.1.2. Phép biện chứng:

 Phép biện chứng là học thuyết, là phản ánh biện chứng khách quan vào trong nhận thức con người, nghĩa là học thuyết nghiên cứu khái quát bản chất của thế giới thành hệ thống các nguyên lý, quy luật khoa học nhằm xây dựng hệ thống các nguyên tắc, phương pháp của nhận thức và thực tiễn. Chính vì vậy phép biện chứng là biện chứng chủ quan- sự phản ánh biện chứng khách quan vào bộ não người. Phép biện chứng đối lập hoàn toàn với phép biện chứng siêu hình- phương pháp tư duy về sự vật, hiện tượng của thế giới trong trạng thái cô lập, bất biến.

 1.2. Hình thức cơ bản của phép biện chứng:

  1.2.1. Phép biện chứng chất phát thời cổ đại:

 Phép biện chứng chất phát thời cổ đại là hình thức đầu tiên của phép biện chứng và đỉnh cao là phép biện chứng cổ đại Hy Lạp. Do trình độ khoa học lúc bấy giờ cho nên quan điểm giới tự nhiên xuất phát từ sự quan sát trực tiếp thế giới để phỏng đoán nên các quy luật vận động và chưa có cơ sở khoa học. Chính vì vậy, phép biện chứng cho thấy được bức tranh về sự chồng chịt vô vận những mối liên hệ và sự tác động, vận động và phát triển nhưng chưa làm rõ cái gì liên hệ cũng như quy luật nội tại của sự vận động và phát triển.

  1.2.2. Phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức:

 Phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức là hình thức thứ 2 của phép biện chứng mang tính chất duy tâm vì nó nói lên sự vận động phát triển của ý niệm tuyệt đối, được đồng nhất với bản thân sự vật, hiện tượng. Phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức đã bỏ qua mối liên hệ giữa khách thể đang nghiên cứu với khách thể khác; cố định sự vật trong trạng thái hiện có, không vận động, phát triển.

  1.2.3. Phép biện chứng duy vật:


 Phép biện chứng duy vật được Mác- Ăngghen sáng tạo và được Lênin bảo vệ và phát triển. Mác và Ăngghen đã khắc phục ti1nh chất duy tâm trong phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức. Đây là hình thức cao nhất của phép biện chứng. Phép biện chứng duy vật thoát khỏi triết học duy tâm, đưa vào đó những quan điểm duy vật về tự nhiên và về lịch sử. Chính vì vậy mà phép biện chứng duy vật đã khái quát được một cách đúng đắn những quy luật vận động, phát triển chung nhất của thế giới.

2. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT:


 2.1. Khái niệm phép biện chứng duy vật:

 Phép biện chứng duy vật là học thuyết về sự phát triển, dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện; học thuyết về tính tương đối của nhận thức của con người, nhận thức này phản ánh vật chất luôn vận động, phát triển không ngừng. Phép biện chứng duy vật đã bao hàm nội dung hết sức phong phú dù đối tượng phản ánh là thế giới vật chất vô cùng, vô tận.

 2.2. Đặc trưng của phép biện chứng duy vật:

  2.2.1. Sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng:

   - Thế giới quan là thế giới duy vật xem xét sự vật trong sự phát triển của nó.
   - Phương pháp biện chứng là phương pháp xem xét sự vật trên nền tảng thực tiễn.

  2.2.2. Sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng:

 Tính khoa học:
   - Phép biện chứng duy vật là sản phẩm của điều kiện kinh tế- xã hội, tiền đề lý luận, tác động khoa học tự nhiên, gắn liền với sự phát triển của khoa học và thực tiễn.
   - Phép biện chứng phản ánh đúng đắn bản chất các quy luật, vận động, phát triển của thế giới, điều đó được thực tiễn và khoa học kiểm nghiệm.
   - Phép biện chứng duy vật là thế giới quan, phương pháp luận của nhận thức và thực tiễn.
 Tính cách mạng:
   - Phép biện chứng là vũ khí lý luận tinh thần của giai cấp vô sản.
   - Phép biện chứng duy vật không dừng lại việc giải thích thế giới mà còn cải tạo thế giới.
   - Phép biện chứng duy vật khẳng định sự tất thắng của cái mới tiến bộ.
   - Phép biện chứng duy vật không quất phục cái gì, chống lại sự nhìn nhận rập khuôn, giáo điều, bảo thủ, trì truệ.
 Tính thống nhất:
   - Tính khoa học là cơ sở, tiền đề cho tính cách mạng.
  - Không có tính khoa học thì không có tính cách mạng, trong tính khoa học chứa đựng tinh thần cách mạng, trong tính ca1ch mạng chứa nội dung khoa học. Chính vì vậy, tính khoa học càng cao, tính cách mạng càng sâu sắc và ngược lại.

  2.2.3. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn:

   - Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của phép biện chứng duy vật, là tiêu chuẩn chân lý của lý luận của phép biện chứng duy vật.
   - Lý luận phép biện chứng duy vật xuất phát từ thực tiễn, phục vụ cho thực tiễn, định hướng cho sự phát triển của thực tiễn.

  2.2.4. Tính sáng tạo:

   - Phép biện chứng duy vật là hệ thống mở, nó luôn luôn phát triển bổ sung bởi các thành tựu mới của khoa học và thực tiễn xã hội.
   - Phép biện chứng duy vật đề ra các nguyên tắc, phương pháp luận để nhận thức và thực tiễn.
 Chính vì vậy mà khi vận dụng phép biện chứng duy vật cần mang tính sáng tạo.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

MỐI QUAN HỆ GIỮA VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC

1. MỐI QUAN HỆ GIỮA VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC:

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức
 Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức, còn ý thức thì tác động trở lại vật chất thống qua thực tiễn của con người. Chính vì vậy, ta có thể nói mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là mối quan hệ biện chứng.

 1.1. Vai trò của vật chất đối với ý thức:

 Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc ý thức, quyết định ý thức. Ta có thể hiểu:
   - Vật chất giữ vai trò là nguồn gốc, cơ sở và điều kiện quyết định quá trình hình thành, vận động và phát triển ý thức.
   - Vât chất giữ vai trò là cơ sở, điều kiện quyết định mọi hoạt động sáng tạo của ý thức.
 Ta nói vật chất là nguồn gốc ý thức, quyết định ý thức, vì:
   - Ý thức là sản phẩm tinh thần của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ não người. Chỉ có con người mới có ý thức. Chính vì vậy, vật chất là nguồn gốc khách quan của ý thức.
   - Các yếu tố tạo thành nguồn gốc tự nhiên (bộ não người), nguồn gốc xã hội ( thế giới khách quan tác động lên bộ não người gây ra hiện tượng phản ánh, lao động, ngôn ngữ) hoặc chính bản thân thế giới vật chất (thế giới khách quan) hoặc là những dạng tồn tại của vật chất đã chứng minh vật chất là nguồn gốc của ý thức.
   - Ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất, là hình ảnh chủ quan về thế giới vật chất cho nên nội dung của ý thức được quyết định bới vật chất.
   - Vật chất quyết định bởi ý thức.
   - Vật chất quyết định phương thức, kết cấu của ý thức.

 1.2. Vai trò của ý thức đối với vật chất:

 Ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
 Ý thức không trực tiếp thay đổi hiện thực mà qua hoạt động vật chất của con người. Tuy nhiên mọi hoạt động vật chất đều do ý thức chỉ đạo. Cho nên ý thức không trực tiếp thay đổi thế giới vật chất mà ý thức trang bị cho con người tri thức về thực tại khách quan. Từ ý thức có được, con người xác định mục tiêu, phương hướng cho hoạt động thực tiễn; con người xây dựng nên phương pháp, mô hình,kế hoạch tổ chức hoạt động thực tiễn.
 Ý thức có thể thúc đẩy hoặc kiềm hãm sự vận động phát triển trong những điều kiện ở mức độ nhất định:
   - Thúc đẩy: Ý thức phản ánh phù hợp với thực tiễn thì nó thúc đẩy sự phát triển của các điều kiện vật chất. Khi con người nhận thức đúng, có tri thức khoa học, có tình cảm cách mạng, có nghị lực, có ý chí thì hoạt động của con người cũng phù hợp với quy luật khách quan. Từ đó con người vượt qua thách thức trong quá trình thực hiện mục đích của mình.
   - Kiềm hãm: Ý thức phản ánh không phù hợp với thực tiễn làm hướng hoạt động của con người đi ngược với các quy luật khách quan, từ đó sẽ làm kiềm hãm sự phát triển của các điều kiện vật chất. Tuy nhiên đó chỉ mang tính tạm thời vì vật chất luôn vận động theo quy luật khách quan. Chính vì vậy, phải luôn có ý thức tiến bộ, phù hợp, thay thế cho ý thức lạc hậu, không phù hợp.
Tóm lại, bằng việc định hướng cho hoạt động của con người, ý thức quyết định hoạt động của con người, hoạt động thực tiễn của con người là đúng hay sai, thành công hay thất bại, hiệu quả hay không hiệu quả.

2. Ý NGHĨA PHƯƠNG PHÁP LUẬN:

 Hoạt động nhận thức và thực tiễn xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng khách quan, đồng thời phát huy tính năng động chủ quan.

 2.1. Xuất phát từ thực tế khách quan, tồn trọng thế giới khách quan:

 Có nghĩa là xuất phát từ tính khách quan, có thái độ tôn trọng đối với hiện thực khách quan, tôn trọng quy luật nhận thức và hành động theo quy luật, tôn trọng vai trò quyết định đời sống tinh thần của con người, của xã hội. Chính vì vậy, con người phải nhận thức và hoạt động xuất phát từ thực tế khách quan để xác định mục đích đề ra đường lối, chủ trương chính sách, kế hoạch, biện pháp.

 2.2. Phát huy tính năng động chủ quan:

 Là phát huy vai trò tích cực năng động, sáng tạo của ý thức và phát huy vai trò nhân tố con người trong việc vật chất hóa tính tích cực năng động, sáng tạo đó. Con người phải tôn trọng tri thức khoa học, tích cực học tập nghiên cứu để có thể truyền bá vào quần chúng để trở thành tri thức niềm tin. Con người phải tự giác rèn luyện, tu dưỡng để hình thành, củng cố nhân sinh quan cách mạng, thống nhất hữu cơ giữa tính khoa học và tính nhân văn trong định hướng hoạt động.

 2.3. Thực hiên nguyên tắc tôn trọng khách quan:

 Là phát huy tính năng động chủ quan trong nhận thức và thực tiễn. Phòng chống, khắc phục bệnh chủ quan duy ý chí- lấy ý chí đặt cho thực tế, lấy ảo tưởng thay cho hiện thực, lấy chủ quan làm chính sách, lấy tình cảm làm điểm xuất phát cho các đường lối, chính sác. Cần chống lại chủ nghĩa kinh nghiệm xem thường tri thức khoa học, xem thường lý luận, bảo thủ, trì truệ, thụ động trong hoạt động nhận thức và thực tiễn.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

NGUỒN GỐC, BẢN CHẤT VÀ KẾT CẤU CỦA Ý THỨC

I. NGUỒN GỐC CỦA Ý THỨC:

 1. Nguồn gốc tự nhiên:

   a) Bộ óc người:

 Ý thức là một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc con người, là chức năng của bộ óc người; là kết quả hoạt động sinh lý thần kinh của bộ óc. Bộ óc người hiện đại là sản phẩm của quá trình tiến hóa lâu dài về mặt sinh vật- xã hội sau khi vượn biến thành người, bộ óc vượn biến thành bộ óc người. Bộ óc người là tổ chức vật chất sống đặc biệt, có cấu trúc tinh vi và phức tạp, bao gồm khoảng 15 đến 17 tỳ noron tế bào thần kinh có liên quan đến nhau và với các giác quan. Chức năng của bộ não người là thu nhận, xử lý, lưu trữ thông tin.  Bộ não người đóng vai trò là cơ quan vật chất của ý thức, cho nên khi bộ óc bị tổn thương sẽ làm ý thức bị rối loạn. Ta có thể thấy một số trường hợp bị chấn thương phần đầu dẫn đến tình trạng mất trí nhớ.

   b) Phản ánh:

  • Khái niệm phản ánh:

 Phản ánh là thuộc tính phổ biến của vật chất, là sự tái tạo những đặc điểm của hệ thống vật chất này ở dạng vật chất khác trong quá trình tác động qua lại lẫn nhau giữa chúng, tạo ra kết quá của sự phản ánh phụ thuộc vào cả 2 vật chất tác động và vật nhận tác động.





  • Các hình thức của phản ánh:
 Phản ánh vật lý, hóa học: là hình thức phản ánh thấp nhất đặc trưng cho vật chất vô sinh. Phản ánh vật lý, hóa học biểu hiện qua những biến đổi về cơ, lý, hóa khi có sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các dạng vật chất vô sinh. Chính vì vậy mà phản ánh mang tính thụ động, chưa có định hướng lựa chọn của vật chất tác động.
 Phản ánh sinh học là hình thức phản ánh cao hơn phản ánh vật lý, hóa học, đặc trưng cho giới hữu sinh. Phản ánh sinh học thể hiện qua tính kích thích, tính cảm ứng.
   -Tính kích thích là phản ánh của thực vật và động vật bật thấp (không có hệ thần kinh) bằng cách thay đổi chiều hướng sinh trưởng và phát triển, thay đổi màu sắc, cấu trúc khi nhận sự tác động trong môi trường. Như ta đã từng biết, cây luôn phát triển về hướng có ánh sáng mặt trời đó là tính kích thích của phản ánh.
Các hình thức của phản ánh
   -Tính cảm ứng là phản ứng của động vật có hệ thần kinh tạo ra năng lực cảm giác, được thực hiện trên cơ sở điều khiển của hệ thần kinh qua cơ chế phản xạ không điều kiện khi có sự tác động từ bên ngoài môi trường.
 Phản ánh tâm lý là phản ánh của động vật có hệ thần kinh trung ương được thực hiện trên cơ sở điều kiện của hệ thần kinh thông qua phản xạ có điều kiện.
  Ý  thức là hình thức phản xạ cao nhất của hình thức phản ánh. Được thực hiện qua quá trình hoạt động sinh lý thần kinh của bộ não người khi thế giới khách quan tác động lên các giác quan của con người.
 Cùng với sự phản ánh thế giới hiện thực, ý thức là ý thức của con người, nằm trong con người, không thể tách rời con người. Ý thức là sự phản ánh thế giới bên ngoài vào bộ óc người. Bộ óc người là cơ quan phản ánh, không có bộ óc thì hoạt động ý thức không thể xảy ra. Chính vì vậy bộ óc người và thế giới bên ngoài tác động lên bộ óc là nguồn gốc của ý thức.

 Ta có thể thấy phản ánh thấp là tiền đề cho các phản ánh cao. Hình thức phản ánh phải phù hợp với thực tiễn. Từ các hình thức phản ánh cao, ta có thể suy đoán những hình thức phản ánh thấp hơn nhưng không có ngược lai.

 2. Nguồn gốc xã hội:

   a) Lao động:

 Lao động là hoạt động chủ động sáng tạo, có mục đích lao động, là điều kiện cơ bản đầu tiên của tất cả đời sống loài người. Chúng ta nói lao động là sáng tao ra bản thân con người. Thông qua lao động, hai chi trước của vượn giải phóng thành hai tay tự do, dáng đứng thẳng xuất hiện, các giác quan, bộ óc ngày càng hoàn thiện và phát triển. Lao động là hoạt động đặc thù của con người, là hoạt động bản chất của con người. Chỉ có con người mới lao động. Lao động là quá trình con người tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tồn tại và phát triển của mình. Cũng có thể nói, ý thức được hỉnh thành do hoạt động của con người cải tạo thế giới khách quan và biến đổi thế giới đó. Nhờ lao động bộ não con người được phát triển và ngày càng hoàn thiện làm cho khả năng tư duy trừu tượng ngày càng cao.

   b) Ngôn ngữ:

 Ngôn ngữ là phương tiện để con người giao tiếp trong xã hội, là hệ thống tín hiệu thứ hai, là cái vỏ của tư duy trừu tượng, là hình thức biểu đạt của tưởng tượng. Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu chứa đựng thông tin, mang nội dung ý thức. Nếu không có ngôn ngữ, ý thức không tồn tại. Ý thức không phải là hiện tượng thuần túy cá nhân mà là một hiện tượng có tính chất xã hội. Chính vì vậy nếu không có phương tiện để trao đổi xã hội về mặt ngôn ngữ thì không thể hình thành và phát triển . Đây cũng là sự kích thích chủ yếu của sự chuyển hóa bộ não loài vật thành bộ não con người, tâm lý động vật thành ý thức.

II. BẢN CHẤT CỦA Ý THỨC:

 1. Tính năng động, sáng tạo:

 Bản chất năng động, sáng tạo của ý thức thể hiện qua việc định hướng thông tin, chọn lọc thông tin, xử lý thông tin, lưu trữ thông tin. Trên cơ sở thông tin đã có, ý thức có thể tạo ra thông tin mới và phát triển ý nghĩa của thông tin được tiếp nhau. Ý thức cải biến các vật chất di chuyển vào trong bộ não con người thành cái tinh thần, thành những hình ảnh tinh thần- những hình ành chủ quan phản ánh bản chất của thế giới khách quan. Phản ánh dù trực tiếp hay gián tiếp, dưới dạng ý tưởng nào thì bao giờ cũng dựa trên tiền đề vật chất, dựa trên thực tiễn nhất định. Tính sáng tạo không có nghĩa là ý thức tạo ra vật chất, mà sáng tạo theo quy luật và trong khuôn khổ của sự phản ánh. Từ xa xưa, con người luôn có một ước mơ được bay như những chú chim. Qua hình ảnh con chim, con người đã có thể bay lượn bằng một phát minh vô cùng sáng tạo là máy bay. Máy bay là sản phẩm thể hiện tính sáng tạo, năng động của ý thức thông qua hình ảnh con chim.

 2. Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan:

 Ý thức là hình ảnh thế giới khách quan, bị thế giới khách quan quy định cả về nội dung lẫn hình thức biễu hiện. Tuy nhiên, ý thức không còn y nguyên như thế giới khách quan mà được cải tiến thông qua lăng kinh chủ quan của con người. Trở lại ví dụ về ước mơ bay của con người, ta có thể thấy con người dựa vào hình ảnh của con chim để tạo ra máy bay, nhưng như chúng ta đã thấy máy bay ngày nay đâu hoàn toàn giống chim (ta có thể lấy một số mẫu máy bay như máy bay chở khách thông dụng,  trực thăng,...). Máy bay đã được cải tiến theo thời gian để phù hợp với nhu cầu của con người. Ý thức nằm trong bộ não người, ý thức không có tính chất vì nó là hình ảnh tinh thần gắn với hoạt động khái quát hóa, trừu tượng hóa, có định hướng, lựa chọn.

 3. Ý thức là hiện tượng xã hội và mang bản chất của xã hội:

Sự ra đời và tồn tại  gắn với hoạt động ý thức không chỉ chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên mà còn các quy luật xã hội. Ý thức nằm trong các mối quan hệ đan xen, chồng chịt gắn liền với bản chất xã hội của con người.

III. KẾT CẤU CỦA Ý THỨC:

 1. Theo chiều ngang:

   a) Tri thức:

 Tri thức là toàn bộ những hiểu biết con người, là kết quả của quá trình nhận thức, là sự tái tạo lại hình ảnh của đối tượng được nhận thức dưới dạng các loại ngôn ngữ. Tri thức là phương thức tồn tại của ý thức, là điểu kiện để ý thức phát triển.

   b) Tình cảm:

 Tình cảm là những rung động biểu hiện thái độ trong các quan hệ. Tình cảm là một hình thái đặt biệt của sự phản ánh hiện thực, được hình thành từ sự khái quát những cảm xúc cụ thể của con người khi nhận sự tác động của ngoại cảnh. Tình cảm là biểu hiện và sự phát triển trong mọi lĩnh vực đời sống của con người, là một yếu tố phát huy sức mạnh động lực thúc đẩy hoạt động nhận thức.

   c) Ý chí:

 Ý chí là sự biểu hiện sức mạnh của bản thân mỗi con người nhằm vượt qua những cản trở trong quá trình thực hiện mục đích. Ý chí là quyền lực của con người đối với bản thân con người đó, nó điều khiển, điều chính hành vi để con người hướng đến mục đích một cách tự giác, cho phép con người tự kiền chế, tự làm chủ ban thân và quyết đoán trong hành động.

 Tri thức, tình cảm và ý chí được hình thành, tồn tại và phát triển trong mối quan hệ ràng buộc, chi phối, tác động lẫn nhau. Tính chất phong phú trong biểu hiện mỗi tình cảm con người có thể là nhân tố nguồn gốc và sự chi phối của nhân tố ý thức và ý chí. Ngược lại, trong mỗi con ý chí có thể bao hàm trong đó sự hiểu biết và tình cảm sâu sắc của con người.

 2. Theo chiều dọc:

   a) Tự ý thức:

 Tự ý thức là ý thức con người về những hành vi, những tình cảm, tư tưởng, động cơ, lợi ích của mình về địa vị của mình trong xã hội.

   b) Tiềm thức:

 Tiềm thức là những hoạt động tâm lý tích cực tự động diễn ra bên ngoài sự kiểm soát chủ chủ thể, sống lại có liên quan đến hoạt động của chủ thể trước đây. Tiềm thức là tri thức tiềm tàng, do thói quen của của con người tạo nên ngầm trở thành bản năng, kỹ năng, là ý thức dưới dạng tiềm tàng. Giống như những người khi tham gia giao thông có thói quen dừng xe lại khi có đèn đỏ, thì khi thấy đèn giao thông chuyển sang màu đỏ là họ tự động dừng lại thôi mà không cần suy nghĩ là nên đi hay chạy.

   c) Vô thức:

 Vô thức là hoạt động tâm lý đặc biệt không phải do lý trí điều khiển. Lĩnh vực vô thức là lĩnh vực các hiện tượng tâm lý nằm ngoài pham vi của lý trí mà ý thức không kiểm soát được trong một lúc nào đó. Con người không phải mọi lúc đều có hành vi do lý trí chỉ đạo, có hành vi do bản năng chi phối hoặc do những tác động được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen tới mức chúng vẫn tự động xảy ra. Khi tay ta đột ngột bị phỏng thì phản xạ đầu tiên của con người là thụt tay lại, đó là hoạt động vô thức.

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

VẬT CHẤT VÀ HÌNH THỨC TỒN TẠI CỦA NÓ

I. ĐỊNH NGHĨA VẬT CHẤT:

 1. Quá trình hình thành khái niệm vật chất:

 Trong lịch sử triết học trước Mác, hai trường phái chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đã có những khái niệm khác nhau về vật chất.

  a) Chủ nghĩa duy vật:

 Vào thời cổ đại, các nhà chủ nghĩa duy vật đã đồng nhất vật chất với những dạng cụ thể của nó, tức là những vật thể hữu hình, cảm tính đang tồn tại ở thế giới bên ngoài. Ta lấy ví dụ về nhà triết học Talet khi coi thực thể của thế giới là nước.
 Còn vào thời cận đại, khi khoa học tự nhiên phát triển mạnh mẽ, quan điểm siêu hình, máy móc bao trùm tất cả. Cho nên các nhà triết học coi nguyên tử (những phân tử vật chất nhỏ nhất, không phân chia được và không vận động, không gian và thời gian) là nguồn gốc thế giới. Ngoài việc họ đồng nhất vật chất với nguyên tử, họ còn đồng nhất vật chất với khối lượng coi đó là đại lượng bất biến.

 b) Chủ nghĩa duy tâm:

 Các nhà duy tâm chủ quan coi vật chất là tổng hợp của các cảm giác của con người.
Ví dụ: Từ thuở bé, chúng từng đọc câu truyện ngụ ngôn "thầy bói xem voi". Thầy sờ vòi bảo vòi voi sun sun như con đỉa. Thầy sờ ngà bảo nó dài như cái đòn càn. Thầy sờ tai bảo nó bè bè như cái quạt thóc. Và vật chất được tạo từ những cảm giác đó.
 Các nhà duy tâm khách quan coi vật chất là sản phẩm của ý niệm. Chính con người nghĩ ra vật chất.  Con người nghĩ về một bông hoa, và bông hoa trong đời thực được sinh ra từ suy nghỉ đó.
 Tôn giáo coi vật chất là sản phẩm của Chúa, Thượng đế.Ta đã từng nghe câu chuyện Thiên chúa dựng nên trời đất:
Đầu tiên Chúa đã dựng nên trời đất.
Ngày thứ nhất ngài tạo ra anh sáng.
Ngày thứ hai ngài tạo ra nước.
Ngày thứ ba ngài tạo ra cây cối.
Ngày thứ tư ngài tạo ra các ngôi sao.
Ngày thứ năm ngài tạo ra thú vật.
Ngày thứ sáu ngài tạo ra con người.
Ngày thứ bảy ngài nghỉ ngơi.

 2. Khái niệm vật chất:

  a) Quan điểm của Mác và Angghen:

   -Khi nghiên cứu phạm trù vật chất phải thông qua phạm trù đối lập của nó là phạm trù ý thức.
   -Chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất, thế giới thống nhất ở tính vật chất của nó.
   -Phương thức tồn tại của vật chất là vận động, không gian thời gian.
   -Thế giới vật chất tồn tại vĩnh viễn, vô tận, vô hạn.
   -Vật chất với tính cách là một phạm trù triết học thì không cảm tính mà chỉ cảm tính được các dạng cụ thể của vật chất mà thôi.
 Tuy nhiên do trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, các ông chưa đưa ra cụ thể về vật chất. Nhưng dựa trên nền tảng các lý luận trên, đã trở thành cơ sở nền tảng cho Lênin đưa ra các quan điểm về vật chất sau này.

b) Quan điểm của Lênin về vật chất:

 Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại con người trong cảm giác, được cảm giác con người chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.
 Như vây, vật chất độc lập với ý thức, để nhận biết ta cần phải dựa vào thực tại khách quan, tức là các dạng tồn tại độc lập với con người, với cảm giác con người.
 Từ khái niệm vật chất của Lênin, ta có thể hiểu:
   -Vật chất là một phạm trù triết học. Cần phân biệt "vật chất" với tư cách là phạm trù triết học (tức là phạm trù khách quan và cơ bản nhất) với khái niệm "vật chất" được sử dụng trong các khoa học chuyên ngành.
   -Vật chất là thuộc tính cơ bản nhất, phổ biến nhất của mọi dạng vật chất, là thuộc tính tồn tại khách quan (tồn tại khách quan ngoài ý thức, độc lập không phụ thuộc vào ý thức con người).
   -Vật chất là thực tại khách quan đem  lại cho con người trong cảm giác (không lệ thuộc vào cảm giác), được cảm giác con người chụp lại, phản ánh. Và dưới một dạng cụ thể, vật chất gây nên cảm giác khi nó trực tiếp hay gián tiếp tác động lên giác quan của con người.
Ví dụ: Khi ta cầm một cục nước đá, tay ta cảm thấy lạnh đó là do cục nước đá đã tác động lên xúc giác con người và ngay lập tức, bộ não con người phản ánh lại với cục nước đá đó.
 Chính vì vậy, ta có thể nhận định vật chất là tính thứ nhất, là nguồn gốc của cảm giác, ý thức.

  • Ý  nghĩa khái niệm vật chất của Lênin:
   -Khắc phục những hạn chế về khái niệm vật chất của chủ nghĩa duy vật cũ (khắc phục những tính chất siêu hình, máy móc tron quan điểm lúc bấy giờ), khắc phục được hạn chế trong quan điểm xã hội.
  -Khẳng định tính thừ nhất của vật chất, tính thứ hai của ý thức theo quan điểm duy vật, khẳng định khả năng con người có thể nhận thức được thực tại khách quan, từ đó mở đường đi sâu vào nghiên cứu, thám phá những kết cấu phức tạp của thế giới vật chất.
   -Chống lại quan điểm tôn giáo, duy tâm về phạm trù vật chất.
   -Chống lại thuyết không thể biết.
   -Liên kết chủ nghĩ duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử thành một thể thống nhất.

II. HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG THỨC TỒN TẠI CỦA VẬT CHẤT:

 1. Vận động:

  a) Khái niệm vận động:

 Vận động là phương thức tồn tại của vật chất, là một hình thức cố hữu của vật chất- bao gồm tất cả mọi sự thay đổi mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ kể từ thay đổi đơn giản đến tư duy (mọi sự thay đổi nói chung).
 Vận động là tự thân vận động, không có tác động từ bên ngoài sự vật, hiện tượng quyết định mà do mâu thuẫn bên trong sự vật, hiện tượng.
 Vận động không phải sự thay đổi thuần túy trong không gian; với sự đa dạng, phong phú, vật chất còn nhiều hình thức vận động khác nhau, phức tạp hơn nhiều.
 Vật chất gắn liền với vận động, không thể có vận động tách khỏi vật chất và cũng không có vật chất mà không có vận động. Vật chất tồn tại bằng cách vận động, trong vận động và thông qua vận động má các dạng vật chất thể hiện đặc tính riêng của mình.
 Vì vận động là phương thức tồn tại của vật chất cho nên vật chất tồn tại khách quan, không sinh ra và không mất đi. Vận động là tuyệt đối.

  b) Hình thức vận động:

 Có 5 hình thức vận động:
Hình thức vận động của vật chất
   -Vận động cơ học là vận động đơn giản nhất, là sự chuyển dịch vị trí của các vật thể trong không gian. Vận động cơ học là đối tượng nghiên cứu của cơ học.
   -Vận động vật lý là vận động của các phân tử điện tử, các hạt cơ bản, các quá trình nhiệt điện. Vận động vật lý là đối tượng nghiên cứu của lý học.
   -Vận động hóa học là sự biến đổi các chất vô cơ, hữu cơ trong những quá trình hợp và phân giải.
   -Vận động sinh học là quá trình biến đổi các chất đặc trưng cho sự sống, sự lớn lên của cơ thể sống nhờ quá trình trao đổi chất và môi trường; sự biến đổi cấu trúc gen.
   -Vận động xã hội là sự biến đổi  các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Vận động xã hội là đối tượng nghiên cứu của các ngành khóa học như kinh tế học, chính trị học, đạo đức học.
 Ta có thể thấy các hình thức vận động được xắp sếp theo thứ tự, trình độ từ thấp lên cao tương ứng với trình độ kết cấu của vật chất.
 Vận động khác nhau về chất nhưng chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau (có khả năng chuyển hóa cho nhau). Hình thức vận động cao xuất hiện trên cơ sở hình thức vận động thấp và bao hàm những hình thức vận động thấp hơn. Sự vật có thể gắn liền với nhiều hình thức vận động khác nhau nhưng bản thân sự tồn tại của sự vật đó đặc trưng cho một hình thức vận động cơ bản. Ta có thể lấy một ví dụ, một cơ thể sinh vật gồm vận động cơ học, vận động vật lỳ, vận động sinh học nhưng hình thức vận động sinh học của sinh vật là đặc trưng cơ bản của sinh vật. 

  c) Đứng im:

 Đứng in mà trạng thái đặc trưng của vận động, đó là vận động trong hệ cân bằng và đứng im là hiện thượng tương đối vì chỉ xảy ra đối với một số quan hệ nhất định chứ không xảy ra với tất cả các hình thức vận động và tất cả các quan hệ, đứng im là hiện tượng tạm thời vì đứng im chì tồn tại trong thời gian nhất định chứ không tồn tại vĩnh viễn.
Ví dụ: ta có thể lấy một ví dụ như một chiếc xe đang chạy thì nếu so với chiếc xe thì con người ngổi trong chiếc xe đang đứng im, nhưng nếu so với cảnh vật xung quanh thì con người ngồi trong chiếc xe đang vận động.
 Vận động hệ cân bằng là vận động chưa làm thay đổi cơ bản về vị trí, hình thành, kết cấu của sự vật, chưa làm thay đổi cơ bản chất của sự vật.

 2. Không gian và thời gian:

 Mọi dạng cụ thể của vật chất tồn tại ở một số vị trí nhất định, có một quãng tính nhất định và tồn tại trong các mối tượng quan nhất định, đó là không gian.
 Tồn tại của sự vật được thể hiện ở quá trình biến đổi nhanh hay chậm, kế tiếp và hóa, đó chính là thời gian.
 Không gian thời gian gắn bó chặt chẽ với nhau đều là thuộc tính cố hữu của vật chất, không thể có vât chất tồn tại ngoài không gian và thời gian, cũng như không có không gian, thời gian tồn tại bên ngoài vật chất.

  • Tích chất của không gian và thời gian:
   -Tính khách quan: Vật chất tồn tại khách quan nên không gian, thời gian cũng tồn tại khách quan.
   -Tính vĩnh cữu và vô tận.
   -Tính 3 chiều của không gian (chiều rộng, chiều dài, chiều cao) và tính một chiều của thời gian (quá khứ đến hiện tại và đến tương lai)

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

TỒN TẠI THẾ GIỚI VÀ SỰ THỐNG NHẤT CỦA THẾ GIỚI

I. TỒN TẠI THẾ GIỚI LÀ TIỀN ĐỀ CỦA SỰ THỐNG NHẤT THẾ GIỚI:

 Khái niệm tồn tại chỉ là tiền đề xuất phát của nhận thức thế giới. Vấn đề mà nhận thức thế giới phải đi đến là quan điểm về sự tồn tại của thế giới. Để hiểu nhận định trên, ta hãy làm rõ một số khái niệm.

1. Khái niệm:

 Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, là sự phản ánh những thuộc tính bản chất của sự vật, hiện tượng trong thế giới quan. Mỗi sự vật, hiện tượng đều bao gồm nhiều thuộc tính khác nhau, tuy nhiên, khái niệm chỉ phản ánh những thuộc tính bản chất, bỏ qua những thuộc tính riêng biệt.
Ví dụ: Ghế có những thuộc tính về màu sắc như đỏ, xanh, vàng,...; về chất liệu có nhôm, gổ,...Nhưng khái niệm chỉ phản ánh những thuộc tính của tất cả cái ghế đó là được con người làm ra và dùng để ngồi.

2. Nhận thức:

 Nhận thức là hoạt động (quá trình) con người tìm hiểu thế giới tự nhiên, trong quá trình này, con người lý giải vạn vật theo từng giai đoạn nhận thức của mình. Từ đó. tìm ra quy luật vận động và phát triển, thay đổi và tiến hóa, bản chất và hình thức, hình thành và tiêu vong của thế giới vật chất và tinh thần.

3. Quan niệm:

 Quan niêm là cách nhìn nhận đánh giá (quan niệm đúng hay sai).

 Từ đây, từ những thuộc tính bản chất của thế giới, ta làm tiền đề để hiểu những nguyên lý trong triết học và thế giới. Vấn đề của triết học là có cách nhìn nhận thức đúng đắn về thế giới.

4. Nội dung:

 Trong khi nhận thức thế giới, vấn đề đặt ra: "Thế giới quanh ta có thực hay chỉ là sản phẩm thuần túy của tư duy con người? Mọi sự vật, hiện tượng mà ta đã biết đến không phải là vĩnh viễn, vậy có thể nói tới sự tồn tại của chúng và suy rộng ra có thể nói về sự tồn tại của thế giới hay không?". Chính từ đây vấn đề thế giới tồn tại hay không tồn tại được đặt ra:
   - Thừa nhận thế giới không tồn tại thì không thể nói tới nhận thức.
   - Thừa nhận thế giới này tồn tại, từ đó cho ra đời những nhận thức thế giới khác nhau và chia thành hai trường phái chính là:
     + Chủ nghĩa duy vật: hiểu sự tồn tại của thế giới như chính thể mà bản chất của nó là vật chất,
     + Chủ nghĩa duy tâm: cho rằng thế giới chỉ là ý thức, tinh thần của con người.
 Tuy nhiên, sự thống nhất của thế giới không phải là ở tồn tại của thế giới vì trước khi thế giới có thể là một thể thống nhất thì trước hết thế giới phải tồn tại đã.

II. TÍNH THỐNG NHẤT VẬT CHẤT CỦA THẾ GIỚI:

 Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định rằng, bản chất của thế giới là vật chất và thế giới thống nhất ở tính vật chất của nó. Điều này được thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:
   - Chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất, bản chất của thế giới là vật chất và thế giới thống nhất ở tính vật chất của nó. Thế giới vật chất tồn tại khách quan, có trước và không phụ thuộc vào ý thức con người.
   - Mọi bộ phận của thế giới đều liên hệ vật chất với nhau, bởi vì chúng đều là những dạng cụ thể của vật chất, cùng có nguồn gốc vật chất, nguyên nhân vật chất, kết cấu vật chất, kết quả vật chất và cùng chịu sự chi phối của các quy luật khách quan của thế giới vật chất.
   - Thế giới vật chất tồn tại vĩnh viễn, vô tận, không sinh ra và không mất đi, trong thế giới không có gì khác ngoài những quá trình vật chất đang diễn ra, chúng là nguyên nhân, kết quả và sự chuyển hóa của nhau.
   - Ý thức là sự phản ánh vật chất vào trong bộ não người, nó nằm trong bộ não người, nên cũng thuộc về thế giới vật chất. không thể có một thế giới thứ hai dành riêng cho ý thức.