TRIẾT HỌC VÀ NGUỒN GỐC CỦA TRIẾT HỌC

I. NGUỒN GỐC CỦA TRIẾT HỌC:

 Vào thời xã hội nguyên thủy, để tồn tại và giải quyết những vấn đề sống còn, con người phải thích nghi với thế giới xung quanh. Nhưng con người không thích nghi một cách thụ động mà luôn tìm cách biến đổi thế giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của họ. Họ muốn hiểu biết thế giới và họ đặt ra hàng loạt câu hỏi: Thế giới này là gì? Thế giới này từ đâu ra và sẽ đi về đâu? Con người là gì? Vị trí, vai trò của con người trong thế giới? Con người có khả năng chi phối thế giới này hay không?... Tuy nhiên do tư duy con người lúc bấy giờ hết sức lạc hậu, và để trả lời câu hỏi đó, một hình thức tri thức đầu tiên của nhân loại ra đời, đó là huyền thoại.
 Nhưng khi hoạt động thực tiễn ngày càng trở nên da dạng, phức tập, con người xuất hiện nhu cầu mới. Họ phải hiểu một cách sâu sắc về bản chất quy luật của thế giới. Họ đặt ra các câu hỏi: Vì sao có ngày và đêm, có động đất núi lửa? Vì sao có kẻ giàu, người nghèo, kẻ hạnh phúc, người bất hạnh?... Chính điều này làm cho huyền thoại trở nên bất lực và được thay thế bằng một hình thức tri thức mới là tri thức triết học.
 Triết học ra đời vào khoảng thế kỉ VIII đến thế kỉ VI TCN (vào thời chiến hữu nô lệ), do nhu cầu giải quyết những vấn đề sống còn của con người và xã hội loài người do hoạt động thực tiễn của con người ngày càng trở nên da dạng, phức tạp.
 Cái nôi của triết học phương Đông là triết học Ấn Độ và triết học Trung Quốc cổ đại, chủ yếu bàn về mối quan hệ giữa người với người, tìm sức mạnh ờ tinh thần, ý thức. Chính vì vậy, triết học phương Đông mang tính hướng nội. Cái nôi của triết học phương Tây là triết học Hy Lạp và triết học La mã cổ đại, chủ yếu bàn về mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, tìm sức mạnh của con người ở hả năng chinh phục giới tự nhiên. Chính vì vậy, triết học phương Tây mang tính hướng ngoại.

 II. KHÁI NIỆM TRIẾT HỌC:

 Trước khi triết học Mác ra đời, triết học được xem là "khoa học của các khoa học" bởi vì sự phát triển của các tri thức cụ thể về tự nhiên và xã hội còn thấp kém và sự phân ngành trong khoa học còn chưa đầy đủ.
 Theo quan niệm Mác-xít, triết học là một hình thái ý thức xã hội, là học thuyết về những nguyên tắc chung nhất của tồn tại và nhận thức, của thái độ con người đối với thế giới, là khoa học về những quy luật chung nhất của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy.
 Ta có thể thấy khái niệm triết học gồm hai yếu tố:
   - Yếu tố nhận thức: Sự hiểu biết thế giới xung quanh, sự hiểu biết các hiện tượng bằng hệ thống tư duy.
   - Yếu tố nhận thức: Vai trò của con người trong thế giới, đánh giá về mặt đạo lý để có thái độ hành động.
 Từ những "lát cắt" khác nhau, triết học có thể hiểu:
   - Triết học là hệ thống các quan điểm về thế giới (thế giới quan), về nguồn gốc, bản chất của thế giới, vị trí của con người trong thế giới, về chính bản thân và cuộc sống con người.
   - Triết học là hệ thống phương pháp (phương pháp luận) gồm phương pháp nhận thức, phương pháp thực tiễn,...
   - Triết học là hệ thống các giá trị, những chuẩn mực, những lý tưởng mà con người khác khao vươn tới nhằm hoàn thiện nhân cách.
 Tóm lại, triết học là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới (tự nhiên, xã hội, tư duy), về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn rất nhiều!